200.000 một kg sầu riêng, nhiều nhà vườn vẫn thua lỗ
Sầu riêng nghịch vụ giá cao gấp đôi lúc bình thường, song nhiều nhà vườn vẫn thất thu do thời tiết cực đoan, tỷ lệ cho trái đạt khoảng 30%.
Giữa tháng 11, thủ phủ sầu riêng hơn 21.000 ha tại Tiền Giang vào mùa thu hoạch trái vụ, tập trung chủ yếu tại huyện Cái Bè, Cai Lậy. Dọc các tuyến đường từ xã Phú Quý (thị xã Cai Lậy) đến xã Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè) thay vì cảnh từng đoàn xe tải của thương lái tấp nập đến vườn thu mua sầu riêng như mọi năm, nay vắng vẻ.
Ngồi bên vườn sầu riêng hơn 1,2 ha khoảng 7 năm tuổi vừa phục hồi sau khi rụng hết bông ở xã Mỹ Lợi A (Cái Bè), ông Nguyễn Văn Đẳng, 50 tuổi, cho biết trước đây, nông dân trên địa bàn trồng sầu riêng vụ thuận bắt đầu từ tháng 11 và thu hoạch sau 6 tháng, chi phí đầu tư thấp nhưng giá không cao, lợi nhuận ít.
Mấy năm trở lại đây, nhiều nhà vườn chọn làm nghịch vụ, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6 để đón đầu thời điểm thị trường khan hiếm hàng, giá sầu riêng hơn 200.000 đồng mỗi kg, gấp đôi lúc bình thường. Năm nay, ông Đẳng cùng nhiều nhà vườn trên địa bàn xử lý ra hoa nghịch vụ từ đầu tháng 7 âm lịch.
Cây sầu riêng sau khi xử lý khoảng một tháng, đang trổ nhụy liên tục gặp thời tiết thay đổi bất thường khiến phần lớn bông rụng. “Tôi sốt ruột mua thuốc về xịt mong cứu vườn, nhưng trong vòng hai đêm toàn bộ hoa lần lượt rụng hết”, ông Đẳng kể lại, cho biết chưa năm nào người trồng sầu riêng thất thu như năm nay kể cả những năm thời tiết cực đoan nhất chưa năm
Cách đó 60 km, ông Lương Văn Hận ở xã Phú Quý, thị xã Cai Lậy, cũng cho biết do thời tiết cực đoan nên năm nay 10 nhà vườn xử lý ra hoa nghịch vụ chỉ có 3 vườn thành công. “Vườn tôi rộng 2.000 m2 hơn 30 gốc sầu riêng, năm ngoái xử lý nghịch vụ được 3 tấn trái, còn năm nay chỉ có vài trăm kg, coi như thua lỗ”, ông Hận nói.
Theo người dân, mỗi gốc sầu riêng từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất ít nhất 5 năm, tốn chi phí từ 8 đến 10 triệu đồng. Bình quân một ha sầu riêng nhà vườn đầu tư ban đầu khoảng 2 tỷ đồng, nếu vụ đầu tiên xử lý ra hoa thất bại sẽ khiến việc tái đầu tư gặp nhiều khó khăn hơn.
Sau vụ mùa không như ý, ông Đẳng quyết định tiếp tục chăm sóc vườn để cây ra hoa theo vụ thuận, trong khi nhiều người khác vẫn chấp nhận bỏ vườn, dưỡng cây để đầu năm sau tiếp tục làm nghịch vụ.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè cho hay, toàn huyện có hơn 9.300 ha sầu riêng, trong đó khoảng 6.000 ha đang cho trái. Năm nay diện tích xử lý ra hoa nghịch vụ chiếm 40%, khoảng 2.400 ha. Trong đó, chỉ có khoảng 30% diện tích xử lý ra hoa đạt, số còn lại bị rụng bông, trái.
Ông Võ Văn Men, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh hiện có khoảng 15.000 ha sầu riêng đang cho trái, đợt thu hoạch trái vụ bắt đầu từ tháng 11 đến đầu năm sau với diện tích khoảng 6.000 ha.
Năm nay, đa số nông dân đã có kinh nghiệm, kỹ thuật xử lý nên nguyên nhân tỷ lệ ra hoa kém chủ yếu là do thời tiết cực đoan, mưa bão kéo dài kết hợp nắng gắt khiến cây sốc nhiệt bị rụng bông. “Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo, nhưng một số nhà vườn do nôn nóng giá cao xử lý ra hoa sớm nên cây không kịp phục hồi dẫn đến vụ mùa thất thu”, ông Men nói.
Nằm trong số ít chủ vườn xử lý thành công sầu riêng nghịch vụ, anh Phạm Minh Tùng, 20 tuổi, tại ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A (Cái Bè), cho biết khi xử lý ra hoa nghịch vụ nên tùy theo tình trạng cây. Sau thu hoạch người trồng cần để cây phục hồi, cơi đọt khỏe mạnh mới tiến hành xử lý ra hoa.
“Nhất là những ngày mưa cần phải theo dõi vườn cây sát sao, vì khi cây xuất hiện tình trạng rụng bông phải phun thuốc trong vòng vài giờ, bởi qua khung giờ vàng sẽ rất khó cứu”, anh Tùng nói.
Đến đầu năm 2024, diện tích sầu riêng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng từ hơn 12.000 ha lên 33.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 330.000 tấn. Diện tích sầu riêng tập trung chủ yếu tại Tiền Giang hơn 21.000 ha, các tỉnh khác như Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi địa phương khoảng hơn 2.000 ha.
Vnexpress
Link bài gốc: https://vietnambiz.vn/200000-mot-kg-sau-rieng-nhieu-nha-vuon-van-thua-lo-202411146471434.htm