Hải quan siết chặt kiểm tra đường nhập khẩu đường từ 5 nước ASEAN vì lượng tăng đột biến
Lượng nhập khẩu đường từ 5 nước ASEAN tăng đột biến sau 3 tháng Bộ Công Thương áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan. Động thái này cho thấy dấu hiệu lẩn tránh thuế nghiêm trọng.
Theo Tạp chí Hải quan, sau 3 tháng Bộ Công Thương áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá (CBPG) cho mặt hàng đường xuất xứ Thái Lan, lượng nhập khẩu đường từ một số nước ASEAN như Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar tăng đột biến.
Cụ thể, lượng đường nhập khẩu từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2021 tăng mạnh so với 9 tháng trước đó, từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết thực chất đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế CBPG và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Bởi 5 nước này không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như trên.
Toàn bộ số lượng đường từ 5 nước chỉ chịu thuế 5% so với mức thuế lẽ ra phải đóng là 33,88% và 48,88% tùy theo loại đường.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cho biết một số doanh nghiệp lợi dụng khai báo không chính xác thông tin hàng hóa nhập khẩu để gian lận về mã HS, xuất xứ, số lượng, trị giá hải quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Rõ ràng, đây là dấu hiệu buôn lậu mặt hàng đường qua biên giới Tây Nam.
Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh và Gia Lai-Kom Tum tăng cường thu thập thông tin, ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới, đặc biệt là qua các khu vực đường mòn, lối mở.
Theo đó, các cục hải quan sẽ siết chặt giám sát đường mía nhập khẩu, đối chiếu với bản kê thông tin và liên tục cập nhật thông tin hàng hóa trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử, đồng thời ngăn chặn hành vi quay vòng tờ khai nhập khẩu.
Trường hợp, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gian lận trốn thuế hoặc mặt hàng nhập khẩu có nghi vấn về trị giá, nhãn hiệu, số lượng thì thiết lập tiêu chí, đưa vào diện có rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp.
Các chi cục hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết