Bắc Giang đã bán hơn 200.000 tấn vải thiều
Đến ngày 28/6, Bắc Giang tiêu thụ hơn 204.025 tấn vải thiều, vượt 13% kế hoạch và mùa vụ vải thiều năm nay dự kiến kết thúc sớm 10 ngày.
Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, khác với mọi năm, tỷ trọng tiêu thụ vải Bắc Giang năm nay đảo chiều, khi hơn 60% tiêu thụ trong nước, gần 40% là xuất khẩu.
Vải bán trong nước tăng nhờ sự kết nối, mở rộng các kênh tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử, chợ… Đến ngày 28/6, vải Bắc Giang bán tại thị trường trong nước đạt hơn 131.117 tấn, chiếm tỷ trọng trên 64%. Lượng vải xuất khẩu đạt 72.908 tấn, xấp xỉ 36%.
Vào cuối mùa vụ, giá thu mua vải tươi tại các điểm cân giảm khoảng 10% so với chính vụ, dao động 12.000-27.000 đồng một kg. Do ảnh hưởng dịch bệnh, để phát triển thêm kênh tiêu thụ cho quả vải, năm nay bên cạnh bán trái tươi, Bắc Giang đẩy mạnh hỗ trợ bà con trồng vải xây dựng lò sấy khô. Mỗi kg vải sấy khô ở mức cao 40.000-55.0000 đồng một tấn. Tới thời điểm này, theo đánh giá của Sở Công Thương Bắc Giang, việc tiêu thụ vải thiều diễn ra an toàn, thuận lợi.
Riêng Lục Ngạn – thủ phủ vải của Bắc Giang, đã tiêu thụ trên 122.000 tấn, tăng 1.000 tấn so với dự báo ban đầu. Bình quân mỗi ngày Lục Ngạn thu hoạch trên 6.000 tấn vải tươi và dự báo sẽ giảm dần những ngày tới do vải vào cuối vụ, các vườn trồng của bà con thu hoạch gần hết.
Lục Ngạn đã xuất khẩu gần 36.600 tấn vải, 88% trong số này được xuất sang Trung Quốc (32.200 tấn). Thị trường Lào, Campuchia, Malaysia… bán được gần 4.300 tấn.
Trái vải tươi bán tại thị trường nội địa của huyện Lục Ngạn hiện đạt gần 85.200 tấn, trong đó vải sấy khô trên 44.200 tấn. Năm nay lượng vải sấy của Lục Ngạn xuất khẩu gần 11.000 tấn, gấp đôi năm ngoái.
Trong đó lượng vải xuất khẩu hơn 36,57 nghìn tấn, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 32.200 tấn; Campuchia, Lào, Malaysia, đạt hơn 4.200 tấn, cao nhất từ trước tới nay.
Lượng vải tiêu thụ trong nước đạt 85.150 tấn. Trong đó vải đưa vào sấy khô đạt hơn 44.210 tấn. Vải thiều sấy khô xuất khẩu đạt 10.628 tấn, cao gấp hơn 2 lần năm 2020.
Hiện Lục Ngạn còn khoảng 15.000 tấn vải, tập trung tại một số xã vùng cao và nhà chức trách địa phương đang lên kế hoạch giúp các hộ trồng tiêu thụ nốt số vải còn lại.
Vnexpress