Doanh nghiệp cõng thêm nhiều chi phí tại cửa khẩu Tân Thanh vì quy định mới của Trung Quốc
Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây phải cõng thêm ít nhất 7 – 10 triệu đồng chi phí phát sinh sau khi Trung Quốc đưa ra quy định giao nhận hàng hóa mới tại cửa khẩu Tân Thanh. Bên cạnh đó, tiến độ giao hàng chậm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và hao hụt lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chi phí tăng, lợi nhuận giảm
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết kể từ ngày 18/8, Trung Quốc thay đổi quy trình giao nhận hàng hóa ở cửa khẩu Tân Thanh.
Theo đó, Trung Quốc không cho lái và chủ hàng người Việt đưa xe hàng sang bên phía nước bạn và phải giao xe hàng để lái xe của phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng. Sau khi hết hàng trên xe, lái xe nước bạn đánh xe không ra bãi trao trả.
Trong ngày đầu tiên được thông quan trở lại, cửa khẩu Tân Thanh có 115 xe hàng hóa, 67 xe chở thanh long từ Việt Nam đi Trung Quốc được thông quan. Hàng hóa tồn phía Trung Quốc là 597 xe, hàng hóa tồn phía Việt Nam là 290 xe, theo báo Thanh niên.
Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc đưa ra quy định giao nhận hàng hóa có phần khắt khe hơn trước cũng là điều có thể thông cảm.
Tuy nhiên những quy định này cũng khiến doanh nghiệp phải cõng thêm nhiều chi phí phát sinh do hàng hóa thông quan chậm, phụ thuộc vào tài xế Trung Quốc. Số lượng xe hàng được thông quan có thể giảm 1/3 so với trước khi có quy định mới.
“Trước đây, xe trái cây từ miền Nam lên cửa khẩu Tân Thanh chỉ cần 3 ngày có thể thông quan thì hiện nay xe phải chờ 7 – 10 ngày mới giao hàng và quay đầu. Doanh nghiệp phải chịu thêm 7 – 10 triệu cho chi phí kho bãi, sinh hoạt, xét nghiệm cho tài xế, xăng dầu…
Hợp đồng giao hàng từ Nam ra Bắc đã chạm mốc 50 triệu đồng/chuyến, tăng 10 triệu đồng/chuyến so với trước khi Trung Quốc đưa ra quy định giao hàng mới. Chưa kể các chi phí thuê tài xế Trung Quốc và các dịch vụ khác”, ông Nguyên cho biết.
Ngoài ra, các loại trái cây phải nằm chờ cả chục ngày trên xe mới có thể đến điểm bán đích tại Trung Quốc, công nghệ bảo quản trái cây chưa tốt ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, lợi nhuận của doanh nghiệp hao hụt.
Những yếu tố bất lợi khiến doanh nghiệp không còn hào hứng đưa hàng sang Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp không còn con đường nào khác, chịu lỗ cũng phải xuất hàng hóa để giữ thị trường đi bởi Trung Quốc nhập khẩu 60 – 70% trái cây của Việt Nam.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, đại diện Vinafruit kiến nghị Ban Quản lý Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) sớm đàm phán, thống nhất với phía Trung Quốc về quy định giao nhận hàng hóa, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đồng thời đề xuất doanh nghiệp tại cửa khẩu giảm chi phí kho bãi, kho lạnh… cho các doanh nghiệp xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh.
Nguy cơ thiếu trái cây xuất khẩu vụ sau
Tiêu thụ nông sản, trái cây không chỉ tắc đường ở thị trường Trung Quốc, ngay cả thị trường nội địa cũng khó trăm bề khi các địa phương áp dụng Chỉ thị 16, giao thông liên tỉnh chưa thông suốt, các chợ đầu mối đồng loạt đóng cửa.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay một số trái cây đang vào vụ thu hoạch nhưng một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí tăng khiến giá bán trái cây đang ở mức thấp.
Cụ thể, giá thanh long trắng tại tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Giá nhãn Eldor tại vườn 8.000 – 10.000 đồng/kg; nhãn xuồng cơm vàng 10.000 – 15.000 đồng/kg, giảm 50% so với năm trước. Giá chanh ở Long An, Đồng Tháp cũng đang ở mức rất thấp, chỉ 1.500 – 2.000 đồng/kg.
Ông Nguyên cho biết với giá bán hiện nay nông dân sản xuất không có lãi, những hộ đầu tư thâm canh cao thậm chí bị lỗ và có nguy cơ gánh nợ.
Nông dân có xu hướng cho cây tự sinh tự dưỡng để nghe ngóng tình hình COVID-19 sẽ đi đến đâu. Ngay cả chủ vườn cây ăn quả chất lượng VietGAP, Global GAP cũng cho cây ăn “đói” vì chi phí cho phân hữu cơ, vi sinh tăng cao, lợi nhuận giảm.
“Nếu tình trạng này tái diễn, trái cây vụ sau có thể bị giảm cả sản lượng và chất lượng, thiếu hàng tuyển chọn phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ vô cùng vất vả tìm kiếm nguyên liệu”, ông Nguyên cảnh báo.
Trong thời gian ngắn, Việt Nam sẽ không mất thị trường xuất khẩu nhưng sẽ tạo cơ hội cho các đối thủ vươn lên, gia tăng thị phần, giảm sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam.
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết